Kể chuyện tức, tức là kể chuyện

Cạnh nhà tôi có một ông hàng xóm, ông hàng xóm ấy lại có một ông bạn hàng xóm. Không có nghĩa là ông bạn hàng xóm của ông hàng xóm nhà tôi là hàng xóm của tôi, tại bởi vì ông bạn hàng xóm của ông hàng xóm nhà tôi là hàng xóm của ông hàng xóm nhà tôi tính theo nhà ở quê, tức là hai ông là hàng xóm ở quê, còn ông hàng xóm của tôi là hàng xóm của tôi ở đây, ở cái khu tôi đang ở đây.
Ông bạn hàng xóm của ông hàng xóm nhà tôi tất nhiên cũng có nhiều ông hàng xóm, nghĩa là hàng xóm ở quê, nhưng những ông hàng xóm của ông bạn hàng xóm của ông hàng xóm nhà tôi ấy chưa từng liên quan gì đến tôi cả nên tôi không kể ra đây.

Hình minh họa thôi, không phải ông này!

Chủ nhật vừa rồi ông bạn hàng xóm của ông hàng xóm nhà tôi lên Hà Nội thăm con, ông có ghé qua nhà ông hàng xóm nhà tôi chơi, tôi có dịp được trò chuyện cùng ông, biết ông cũng thích văn thơ dân gian nên tôi lấy làm thích. Trước hôm ông về, tôi kéo ông ra quán đãi một chầu bia hơi sản xuất ở Hà Nội. Gọi là bia hơi sản xuất ở Hà Nội vì bây giờ "bia hơi Hà Nội" xịn hiếm lắm, phải là nhà hàng quen mới lấy được từ nhà máy, còn lại là bia pha, bia nhái và bia của các hãng con con tự vỗ ngực gọi mình là bia hơi Hà Nội. Thậm chí bia hơi sản xuất ở Hà Nội cũng không phải dễ tìm trong hàng ngàn hàng vạn quán bia hơi bán ở Hà Nội.

Trong câu chuyện, tôi có kể cho ông về cái hội Thông Tấn Thôn mà chúng tôi đang xây dựng. Ông bồ kết lắm, ông bảo chú cháu mình chỉ thế thôi, văn thơ thông tấn thôn cho vui thôi, văn thơ thông tấn xã làm gì mệt. Mà thông tấn thôn cũng có nhiều văn thơ bác học đấy chứ, ví dụ như cụ Bút Tre không phải là văn thơ thông tấn thôn là gì, thế mà cũng thành trường phái mang tên cụ hẳn hoi, có mấy người được như cụ.

Tôi lại kể cho ông nghe về chú Điền, chú về hưu rồi nhưng vẫn tham gia Hội quán Cười với đám con cháu bên Việt Nam Net và Yahoo 360plus rất tưng bừng. Tôi nói Thông Tấn Thôn thực ra chỉ là tên gọi mới của Hội quán Cười. Ông thích lắm, ông hứa kiểu gì Thông Tấn Thôn xây dựng xong ông cũng tham gia.

Cuối buổi nhậu, tôi kể thêm về việc đang phân vân dùng tên miền nào cho Thông Tấn Thôn. Tôi bảo rằng thì là, nếu dùng Thông tấn thôn Việt Nam.com thì e là dài, nếu chỉ dùng Thông Tấn Thôn.com lại sợ chưa đủ ý, còn như dùng Thông Tấn Thôn VN.com đến lúc cần truyền thông lại phải đọc một hơi "thông tấn thôn vi en chấm com" nghe rất mệt, chữ Thôn Việt.com là viết tắt của Thông tấn thôn Việt Nam.com lại quá dân dã, vì Thông Tấn Thôn không chỉ là thơ thẩn về nông thôn mà còn có nhiều thơ thông tin nhưng làm theo kiểu thôn dã.

Nghe tôi nói xong, ông bạn hàng xóm của ông hàng xóm nhà tôi ngã vật ra thành ghế, tôi tưởng ông say nên chạy lại đỡ ông, ông xua tay bảo chú không say, chú ngã là tại mày. Tôi không hiểu mình sai ở đâu!?

Chiều qua tôi kể cho vợ nghe, nàng phân tích một hồi rằng cái đoạn kể về Thông Tấn Thôn của anh làm chú ấy hoa mắt ù tai chứ còn gì nữa, cuối cùng, sau 1 tiếng 15 phút phân tích về chuyện nói năng dài dòng cái đoạn Thông Tấn Thôn của tôi, nàng phán một câu chốt hạ: "Anh đúng là sai!".

Tôi ngồi thừ ra, suy nghĩ lại buổi nói chuyện với ông hàng xóm của ông hàng xóm nhà tôi, một hồi tôi se sẽ nói: "Ừ, anh sai là đúng"!

Jap Tiên Sinh

Chuyện lão Chài ở cầu Đầu Bè

Tôi không biết tên lão Chài, sở dĩ tôi gọi lão với cái tên đó vì lão làm nghề chài lưới. Hồi tôi bắt đầu đi học trường chuyên Hải Nhân trên phố huyện, ngày nào cũng đi qua cái cầu đầu xã, gọi là cầu Đầu Bè. Cái cầu này giúp xã tôi không bị biến thành ốc đảo.

Từ trên cầu nhìn xuống, thấy lúc nào lão cũng ngâm mình dưới nước, hết kéo lưới lại đứng giữa sông câu cá. Dạo đó người ta chưa phá cái đê cuối xã, vì vậy mà sông còn là sông nước ngọt, chưa bị tàu bè ngoài biển chạy vào nên chưa bị ô nhiễm, cá nhiều lắm. Cả khúc sông có mỗi mình lão Chài hành nghề, thành ra lúc nào nhìn trên cầu xuống cũng thấy một mình lão ở tít đàng xa, trông bé tí như con châu chấu giữa dòng sông.

Bà bán cá ở chợ Hàng Hòe gần cầu nói rằng lão đi đánh cá không bao giờ mặc quần áo, vì vướng, vì cả dòng sông có một mình lão, và vì mỗi lần lên bờ mọi người nhìn từ xa cũng không phân biệt được lão mặc quần hay không. Hàng ngày, lão cứ nồng nỗng như thế xuống sông kéo lưới. Những lúc lão đánh cá ở gần bờ, cứ vừa đi vừa lúc lắc con cu, tè cũng không thèm đứng lại mà cứ thế vẽ rồng vẽ rắn cho đỡ mất việc. Nhiều hôm lão kéo lưới, nước đục nên có con cá đói nhìn nhầm xông vào cắn cả con chim già của lão, cắn rồi lại phải nhả ra vì dai quá?! Những lúc như thế lão cũng không thèm bận tâm, hoặc là bị cắn nhiều lần nên không thèm chấp nữa.

Chuyện lão Chài cởi truồng đánh cá làm tôi rất tò mò, nhiều hôm đi học về tôi cứ đứng trên cầu chăm chú chờ lão lên bờ để xác minh có đúng như lời bà bán cá nói không. Chưa hôm nào tôi bắt được quả tang lão cởi truồng, đơn giản vì tôi chưa từng thấy lão lên bờ bao giờ.

Thế nên tôi càng tò mò, có lần tôi đem chuyện này hỏi thầy Phụ, nhà ngay ở chân cầu. Tôi chưa từng được học thầy, nhưng thầy dạy trường tôi hồi tôi còn học ở xã, có hôm chúng tôi đi học ngang qua thấy thầy cầm đòn gánh, vợ thầy cầm cái chày, cô và thầy đuổi nhau chạy vòng quanh ao, hễ chạy thì cùng chạy hễ đứng thì cùng đứng thành ra chúng tôi không biết ai đuổi ai, cả bọn đứng lại hò: "Cô ơi cố lên...", thầy ngượng chạy sang ao bên kia đứng nhìn, cô cũng đi nhanh ra bờ sông.

Thầy bảo, làm gì có chuyện lão Chài cởi truồng đánh cá, nhà thầy ở đấy nhiều hôm trời tối thầy ra hút thuốc lào, nói chuyện sông nước với lão. Thấy lão cũng là người bình thường như bao người khác, chỉ có là lão Chài không thích mặc áo lúc đánh cá mà thôi.

Rốt cuộc đến giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao bà bán cá cứ bô bô khẳng định lão Chài cởi truồng đánh cá. Nhưng sau này tôi coi chuyện lão Chài là bài học rất quý từ khi chập chững viết báo. Nếu tìm hiểu không đến đầu đến đũa, tôi có thể biến hóa một người bình thường thành ông vua sông nước mặc bộ đồ tàng hình ấy chứ!

Jap Tiên Sinh

Nhật ký 20-10

TTT VN - Ngày phụ nữ VN 20-10 luôn để lại nhiều cảm xúc cho mỗi người, Thông tấn thôn Việt Nam xin giới thiệu những trích đoạn Nhật ký thể hiện những cảm xúc rất riêng trong ngày đặc biệt này.

Của một chàng sinh viên:
8h sáng gọi điện đến thằng bạn đặt hàng nó một bó hoa kinh điển gồm 20 bông hồng và 10 bông hoa ly. Thằng bạn tranh thủ bán hoa ngày lễ nên rất sợ ế hàng, thấy mình đặt hàng bó hoa to nó mừng như thể vừa thắng độ bóng đá. Chiều đến lấy hàng, mình khất  đến đầu tháng sau sẽ trả tiền, mặt nó xị ra một đống. Thế đã rồi, biết làm sao được, bạn bè phải giúp nhau lúc khó khăn chứ. Không phải là mình kém đến mức không đủ tiền để mua bó hoa, nhưng mình phải dành tiền mời nàng đi uống trà chanh.

Của một cô bé 16:
Ôi! Vậy là hôm nay là tròn 3 năm chúng mình yêu nhau rồi, nhanh quá OX nhỉ. BX rất hạnh phúc khi được cùng OX đi ăn cá viên chiên và uống trà sữa. Cảm ơn bông hồng, cảm ơn những con hạc giấy, cảm ơn tình yêu của em. Iu OX nhìu lém!

Của một bà nội trợ:
Ti vi nói rất nhiều về ngày 20-10 làm mình cũng thấy bồn chồn. Ngày xưa, hồi còn con gái cũng háo hức lắm, cũng mong được tặng hoa, tặng quà, người ta quên hoặc giả vờ quên thì mình nhắc ngay. Từ ngày có chồng có con, cơm áo gạo tiền làm mình thay đổi hẳn, chả đòi quà cáp gì sất, chồng hỏi thích quà gì thì mình bảo chả thích. Không phải là mình không thích thật, mà sợ tốn tiền, tiền của chồng cũng là của mình chứ đâu. Ừ, mà nếu muốn tặng quà thì chồng mua tặng mình cái nồi áp suất cũng được.

Của một cô gái tuổi 40:
Mình ghét, ghét cay ghét đắng cái ngày này. Những năm trước mấy đứa con gái trẻ cứ vênh mặt lên khi nhận được nhiều hoa nhiều quà. Năm nay mình rút kinh nghiệm, mình đặt hàng bọn điện hoa chuyển cho cả chục lẵng hoa to vật, toàn là đề thân yêu với thân thương tặng mình. Chấp nhận tốn kém tí cho đỡ tủi thân, cho cái bọn rỗi hơi ở công ty lác hết mắt.

Của một người đàn ông chân chính:
Buổi trưa gửi email tặng em văn thư một bài thơ tình mà mình đã kỳ công sáng tác trong suốt một tháng trời , hy vọng với món quà tinh thần cao quý đó em sẽ thấu hiểu tình cảm của mình. Nàng gửi email lại, khen bài thơ mình làm rất hay, rất lãng mạn, nàng bảo bài thơ hay thế này mà có  iPad 4 để đọc thì tuyệt. Nàng còn kể rằng cậu Trưởng phòng kinh doanh bữa trước ngỏ ý tặng iPad mà nàng không chịu nên giờ thấy tiếc quá. Trời ơi, nàng làm mình khó xử quá đi mất. Chiều đi làm về không quên ghé mua tặng vợ bó hoa thật đẹp. “Mụ” nhìn bó hoa trợn mắt rồi hỏi trống không: hoa tặng hay hoa cúng đấy? Chợt giật mình vì hôm nay cũng là ngày rằm mà. Rõ khổ, trời mưa chả để ý, tấp tiệm hoa mua đại một bó, hóa ra toàn cúc Vạn thọ.

Của một Đại gia:
Mình nhắn là hôm nay phải đi công tác nước ngoài, mặc dù quà cáp đã gửi đầy đủ cả nhưng các em vẫn cứ tỏ ra hờn dỗi. Biết thừa là tụi nó giả bộ nũng nịu vậy thôi chứ trong lòng mừng muốn chết, cứ lúc mình đi vắng là tụi nó tranh thủ đi với bồ trẻ ngay. Biết thì vẫn biết, tức thì tức vậy, nhưng biết làm sao được, sức khỏe có hạn, lực bất tòng tâm. Hơn nữa, những ngày như thế này đố mà thoát khỏi tay “sư tử”. Vậy nên, xin hẹn các em vào ngày thường, còn ngày lễ anh phải ở nhà làm người đàn ông mẫu mực.

Của một chân dài:
Hôm trước lão hứa sẽ tổ chức cho mình ngày 20-10 thật ấn tượng. Mình bảo không có gì ấn tượng bằng các con số, cụ thể là lão phải tặng mình 20 món đồ hiệu trong vòng 10 ngày- Lão bảo OK. Lão lại nói, để ấn tượng hơn nữa, trong vòng 20 ngày lão cố gắng “làm” 10 lần. Mình cũng OK luôn. Tính đến hôm nay mọi thứ đều đạt chỉ tiêu, OK.

Của một gái “bán hoa”:
Một ngày thất bát, khách vừa ít về số lượng vừa kém về chất lượng. Đàn ông tươm tất nếu không đi với bồ thì cũng ở bên vợ, haizz, chỉ còn lại vài ông lao động xa nhà, xa vợ nhưng không đủ điều kiện cặp bồ mới tìm đến mình. Người ta đang ca tụng phụ nữ ầm ầm, họ bảo phụ nữ như bông hoa, cần phải nâng niu. Trong khi mình cũng là phụ nữ, mà sao thấy ê chề quá! Mình “bán hoa” hoài không hết nên có lẽ mình phải là cả một rừng hoa chứ không phải một bông, và có lẽ vì vậy mà người ta cứ tha hồ vùi dập.

Của một cụ bà:
Ngày 20-10 người ta còn trẻ thì còn đi chơi đây đó, mình già rồi, ở nhà xem ti vi thôi. thấy người ta nói tốt về phụ nữ mình cũng thấy ấm lòng. Có ông nhà văn kia ví von giới nữ là những bông hoa: Cô gái trẻ thì là những bông hoa trong vườn mùa xuân. Người đàn bà độc thân là bông hoa trong bức tranh treo trên tường. Người đàn bà đã có chồng là bông hoa cắm trong lọ... Mình ngồi thắc mắc: Thế thì bà lão như mình là hoa gì? Hỏi xong tự trả lời: Chắc là bông hoa khô ép trong cuốn sách cũ. Đấy là tự phiếm thế, chứ lão nhà mình nói thế là mình tẩn ngay.

Của một cụ ông:
Hôm nay bà ấy hẹn mình đến chỗ công viên ngày xưa. Bao nhiêu năm mới gặp, thế mà lại giận. Đúng là phụ nữ, tuổi nào cũng giận được. Mà mình có lỗi gì đâu cơ chứ! Đến giờ hẹn, bà gọi hỏi mình đến nơi chưa? Mình bảo sắp đến rồi, đang đợi xe. Nửa tiếng sau bà gọi lại, mình bảo vẫn còn đang đợi xe. Lần thứ ba, mình trả lời vẫn đang đợi xe, thế là bà giận bỏ về, trong khi mình đứng bên kia đường chỉ cách bà vài chục mét, chỉ cần chờ hết xe là mình qua đường đến với bà ấy rồi.

HienMQ

Chúc mừng ngày của chị em


Chúc cho phụ nữ tóc dài

Ngày càng mơ mộng như bài thơ xuân,

Chúc cho phụ nữ dài chân

Ngày càng ngắn nhé, cái quần em mang!

Chúc cho phụ nữ giàu sang

Tranh nhau lên mạng khoe hàng hiệu luôn!

Chúc cho phụ nữ đi buôn

Làm ăn phát đạt không chuồn trốn nơ (nợ)!



Chúc cho phụ nữ làm thơ

Đầu óc ngơ ngẩn, ngẩn ngơ suốt ngày!

Chúc cho phụ nữ… ăn mày

Ra đường trúng quả gặp ngay nhà giàu!

Chúc cho phụ nữ bên Tàu

Xinh như phụ nữ và giàu như Ta!

Chúc cho phụ nữ mười ba

Được bao bọc tốt không ra… bà bầu!

Chúc cho phụ nữ đang sầu

Ngày đêm vui vẻ ở đâu cũng cười!

Chúc cho phụ nữ hơi lười

Thì chăm một chút cho người nó thon!

Chúc cho phụ nữ còn son

Nhanh nhanh hết ế có con bế bồng!

Chúc cho phụ nữ có chồng

Quan hệ chung thủy để không… no đòn!

Chúc cho phụ nữ Sài Gòn

Mãi luôn tươi trẻ như son môi hồng!

Chúc cho phụ nữ chưa chồng

Hà Nội tươi thắm như bông hoa đào!

Chúc cho phụ nữ chỗ nào

Chưa xinh thì hãy đi vào Hội ta!

Đảm bảo khi đã đi ra

Tinh thần sảng khoái ha ha cười hoài!

Chúc cho phụ nữ dài dài

24H nữa mệt nhoài nhận hoa!

Vũ Thanh

Đêm đêm, tôi vẫn làm chuyện đó theo bản năng



Sinh ra trên đời này thật là lạ kỳ, chuyện muốn làm thì không được làm, chuyện không muốn làm vẫn cứ phải làm. Ví dụ như tôi, hàng đêm vẫn phải hùng hục làm chuyện đó theo bản năng.

Sau mỗi lần “xong việc”, mồ hôi lại túa ra dầm dề, mắt ngây dại đờ đẫn, nhưng trong người vẫn thấy còn thấy ham hố lắm. Muốn làm nữa, làm cả đêm mà không chán.

Như một bản năng, có người uống rượu xong muốn đánh nhau, có người say rồi thì khóc hu hu, có người lại trở thành triết gia về những điều mà ngay cả “triết gia xịn” cũng không thể hiểu nổi... Tôi không ham uống rượu nhiều, nhưng chút xíu rượu vào là tôi chỉ ham thích làm mỗi việc ấy, bản năng ấy có lẽ sẽ theo tôi đến hết cuộc đời.

Sau những lần như vậy, điều tôi day dứt nhất là đứa con của mình sau này sẽ thế nào? Có được xã hội chấp nhận không? Nó lưu lạc về đâu và thậm chí là sẽ trở thành... con ai?

Tuy nhiên, vượt qua tất cả những điều đó, tôi vẫn phải làm điều không thể không làm.

Vẫn biết như vậy là khổ, vẫn biết không phải gã đàn ông nào sinh ra cũng có cái bản năng “quái đản” này, nhưng có phải trên đời ai cũng giống ai đâu. Ấy thế nên, đêm nay, đêm mai và đêm nào còn chút sức lực thì tôi vẫn còn “chiến đấu”.

Mà nói thật, nhìn những “đứa con tinh thần” của mình chào đời, tôi cũng lấy làm hãnh diện lắm. Nên hàng đêm vẫn cứ mồ hôi nhễ nhại cắm mặt vào màn hình mà... nghĩ truyện cười!


Nó đi đạp mái bạc phơ cả đầu



Có con gà trống hoa mơ
Nó đi đạp mái bạc phơ cả đầu
Bạc thì bạc có sao đâu
Nếu không đạp mái sống lâu làm gì?

Cũng con gà trống hoa mơ
Nó đi đạp mái hói trơ cả đầu
Hói thì hói có sao đâu
Nếu không đạp mái tóc, râu làm gì
Cho dù râu tóc rụng đi
Ngày ngày đạp mái còn gì vui hơn?

Còn con gà mái hoa mơ
Nó đi tìm trống đỏ phơ cái mào
Đỏ thì đỏ kệ bố tao
Nếu không tìm trống thì tao ế à?

(TTT VN - Sưu tầm)

Ước gì kiếp sau biến thành gà trống

Vào khoảng năm 1984 - 85 gì đấy, khi ấy tôi vẫn đang học lớp 5, nhưng có lẽ "cha mẹ sinh con trời sinh tính" nên khi đó còn nhỏ mà đã rất thích những câu thơ hài, đặc biệt là thơ bậy. Đừng tưởng bây giờ mới có thơ bậy, bây giờ chỉ hơn thời đó ở chỗ văng tục bậy hơn mà thôi.

Bố tôi khi đó làm thợ mộc, thợ mộc thời bấy giờ vất vả hơn nhiều so với thợ mộc ngày nay. Bây giờ có máy móc hỗ trợ đa phần công việc rồi nên cũng nhàn.

Hồi đó ở đâu cũng có những người thợ xẻ chuyên xẻ gỗ thuê cho thợ mộc hoặc cho những nhà có nhu cầu, nhà tôi cứ cách mươi ngày lại có cánh thợ xẻ đến xẻ gỗ, tuyền là thợ bên (xã) Hải Bình sang hoặc Trúc Lâm xuống.


Thợ xẻ rất vui tính, có thể vì suốt ngày chỉ ngồi làm công việc nặng nhọc nhưng khá nhàm chán là kéo qua kéo lại cái cưa theo đường mực Tàu bật sẵn trên thân gỗ nên họ nói chuyện nhiều. Mà cánh đàn ông hễ ngồi nói chuyện nhiều chỉ có 3 vấn đề quan tâm: Kinh tế, giỗ chạp và đàn bà. Không như bây giờ, bây giờ còn có thêm Thể thao và Chính trị.

Chủ đề đàn bà, chính xác hơn là tình dục bao giờ cũng dễ nói và nói được cả ngày không chán. Vì vậy mà tôi rất hay hóng hớt, câu thơ mà cánh thợ xẻ luôn luôn tâm đắc nhắc đi nhắc lại rồi cười hô hố với nhau, đó là:

Có phúc lấy được thợ cưa
Cơm ngày 3 bữa, dái đưa thòng lòng!!!


Các bạn trẻ không biết thợ xẻ là thế nào thì cứ nhìn cái hình ở bên là biết tại sao lại có vụ "dái đưa thòng lòng"!

Nhưng tôi không ấn tượng câu thơ ấy bằng câu nói của một cụ thợ xẻ, gọi là cụ vì hồi ấy 50 tuổi đã là hom hem lắm rồi, chứ bây giờ 70 vẫn làm cho gái đôi mươi có bầu như thường.

Chẳng là có lần nhìn qua vườn nhà hàng xóm tôi, cụ thợ xẻ thấy con gà trống đang hiếp con gà mái, tôi đoán là gà mái bị hiếp vì lúc gà trống đuổi nó cứ chạy lòng vòng cho đến lúc bị gà trống dùng mỏ giữ túm lông trên cổ. Mặc dù tôi lờ mờ nhận ra, mỗi lần gà trống chạy mệt, gà mái có ý chạy chậm để chờ???

Thấy cảnh ấy, cụ thợ xẻ mới nói: "Ước gì kiếp sau mình được làm con gà trống". Ý là làm cái kiếp mà cứ thấy mái là nhảy, không lo bị ra tòa.

Cụ này xẻ gỗ thuê cho nhà tôi suốt, nên chứng kiến cảnh gà trống nó hiếp gà mái suốt, mỗi lần thế cụ lại nói đi nói lại cái ước mơ kiếp sau thành gà trống suốt. Thành ra hồi đó tôi bé cũng bị nhiễm, nghĩa là chưa đủ lớn để ước mơ thành gà trống, nhưng đủ tư duy để thấy việc túm một con gà mái rồi dập khuôn một phát trông rất là vui mắt.

Nhưng hỡi ôi, mới cách đây mấy ngày thôi tôi đọc trên BBC một tin ngắn, hẳn là kiến thức này nhiều người biết, nhưng với tôi thực sự bây giờ mới biết.

BBC đưa tin nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Florida đã giải thích việc cơ quan sinh dục của gà trống bị teo lại như thế nào trong quá trình tiến hóa.

Các nhà khoa học cho rằng cơ quan sinh dục gà trống phát triển bình thường trong giai đoạn phôi nhưng chỉ còn là cơ quan thô sơ khi trưởng thành.

Đồng tác giả nghiên cứu, TS Martin Cohn giải thích rằng sự teo lại của cơ quan sinh dục gà trong quá trình tiến hóa xảy ra do sự kích hoạt cơ chế được lập trình sẵn trong tự nhiên không cho dương vật nhô ra được.

Do dương vật bị teo lại nên khi giao phối, gà trống không thể đưa cơ quan sinh dục vào âm đạo con cái. Gà trống và gà mái đều có cơ quan sinh dục được gọi là lỗ huyệt và khi hai cơ quan này áp sát vào nhau, tinh trùng sẽ được chuyển vào đường sinh sản của gà mái. Quá trình giao phối này còn được gọi là “hôn lỗ huyệt”.

Lý do dương vật gà bị teo lại trong quá trình tiến hóa chưa được giải thích rõ nhưng các nhà khoa học nêu giả thuyết rằng có thể điều này giúp gà mái kiểm soát tốt hơn đời sống sinh sản.


Không biết bây giờ cụ thợ xẻ còn sống không, nếu có thì biết tin này chắc là cụ chẳng còn dám ước mơ trở thành gà trống nữa!

Jap Tiên Sinh