'Điểm chung' giữa NS Văn Hiệp và bà đầm thép Thatcher

NS Văn Hiệp và bà Margaret Thatcher sẽ chẳng có gì để đặt chung trong một trang viết về hai con người với cuộc đời và sự nghiệp khác xa nhau nếu không vì trong một phút nào đó, người viết chợt nhận ra nữ chính trị gia lỗi lạc này thực sự cũng là một người nghệ sĩ.

Khép lại một "Kiếp Tư Bền"


Tuần qua, hai nhân vật nổi tiếng vừa mới qua đời. Dẫu sinh thời họ là những người hoàn toàn xa lạ, nhưng sự ra đi của họ đều dấy lên trong lòng người ở lại những nỗi trăn trở khôn nguôi.

Người đầu tiên là diễn viên hài Văn Hiệp, một nghệ sĩ chân chính suốt nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu, truyền hình; khi ra đi dẫu không mang theo một danh xưng  phù phiếm của cõi sống nhưng chỉ riêng cuộc đời sống và diễn của ông đã làm rơi nước mắt của biết bao nhiêu người hâm mộ.

Trong cõi nhân sinh ngắn ngủi, ngày nào chẳng có ít nhiều người nổi tiếng vĩnh biệt trần thế để về cõi vĩnh hằng. Nhưng đã lâu lắm mới có một sự mất mát thực sự khiến công chúng cảm thấy hụt hẫng như chưa muốn tin rằng từ nay sẽ vĩnh viễn không còn gặp ông, một nghệ sĩ đã trở nên thân thuộc và gần gũi tới mức đôi lúc người ta quên mất ông chỉ là một diễn viên trên truyền hình. Dường như, ông đã trở thành một ông láng giềng tốt bụng của mỗi chúng ta, ngày ngày vẫn thấp thoáng qua lại nơi đầu làng, cuối phố.

Mang một thân hình gầy guộc, người nghệ sĩ ngoài bảy mươi tuổi ấy đã đảm đương không biết bao nhiêu vai diễn lớn, nhỏ, chính, phụ trong cuộc đời. Từ gương mặt khắc khổ của ông, không thể ngờ bao nhiêu nét duyên của nghiệp diễn đã thăng hoa, để rồi khán giả cười, khán giả khóc, khán giả thương yêu ông và các vai diễn của ông như một lẽ tự nhiên phải thế.

Văn Hiệp tự ví đời nghệ sĩ của mình như một kiếp giun. Ở nơi nào đất cằn cỗi nhất, ở đó loài giun sẽ chăm chỉ đào bới để trả về cho đất sự tơi xốp, màu mỡ và từ đó cây đời sẽ mọc lên xanh ngát và rộn tiếng chim ca.
  
Nghệ sĩ Văn Hiệp

Đúng như triết lý mà ông tâm niệm, nhìn vào cuộc đời và sự nghiệp của ông, người ta thấy được sự cần cù đến nhẫn nại như một con giun trên mảnh đất nghệ thuật mà ông đã chọn làm nơi trú ngụ. Ông lặng thầm cống hiến cả tuổi trẻ và tuổi già của mình cho nghệ thuật, không màng tới danh lợi, không màng tới đua tranh, không tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình bằng những phát ngôn lớn lao, cũng chẳng định cho mình một đẳng cấp để mà tự phụ.

Văn Hiệp diễn tự nhiên, mộc mạc như thể ông đang sống cuộc đời của nhân vật chứ không phải đang cố gắng để nhập vai trước ống kính. Vì thế giữa diễn viên và nhân vật dường như không còn khoảng cách. Nhìn tấm hình của ông trong ngày tang lễ, người ta bùi ngùi nhận ra ngay một Văn Hiệp "trưởng thôn" hồn hậu, chất phác không thể lẫn vào đâu. Cho đến mãi sau này cũng sẽ khó có một ai vượt qua nổi hình bóng của ông trong những vai diễn giản đơn mà nhiều sức nặng như thế.

Nhưng như một lời nguyền của sân khấu, phàm những người làm nghề mang tiếng cười cho thiên hạ lại có cuộc đời riêng chẳng mấy thanh thản. Bao nhiêu khó nhọc, tủi cực trong đời ông cất giấu trong lòng để rồi bước vào từng vai diễn hồn nhiên đến lạ kỳ. Chỉ có ánh mắt của ông vẫn thấp thoáng một nỗi buồn không thể nào giấu nổi.

Ấy vậy mà chẳng mấy khi ông than thở với đời về chuyện riêng mình. Chợt thấy sao trái tim của người nghệ sĩ lớn đến thế, đã chứa đủ những đau khổ riêng lại còn phải chắt lọc cả những nỗi đau khổ chung của đời để tạo nên tiếng cười. Dù đôi khi là những tiếng cười chát đắng...

"Khối thép" trở về hư vô


Một ngày trước khi Văn Hiệp ra đi, một nhân vật nổi tiếng khác của thế giới cũng giã từ kiếp tạm. Đó là "người đàn bà thép" Margaret Thatcher của xứ sở xương mù. Sẽ chẳng có gì để đặt chung trong một trang viết về hai con người với cuộc đời và sự nghiệp khác xa nhau nếu không vì trong một phút nào đó, người viết chợt nhận ra nữ chính trị gia lỗi lạc này thực sự cũng là một người nghệ sĩ. Nhưng không giống như Văn Hiệp trên sân khấu hài, bà là nghệ sĩ trên sân khấu chính trị.

Thật khó hình dung cơ duyên nào đã đẩy bà từ một thiếu nữ đến với chính trường, rồi từ đó leo dần lên từng nấc thang của một sự nghiệp chính trị lẫy lừng. Trước và sau bà, nước Anh chưa có một nữ thủ tướng nào và bà cũng là người giữ cương vị này lâu nhất trong hai thế kỷ trở lại đây.

Những chính sách của bà đưa ra đã thay đổi cả bộ mặt nước Anh và ảnh hưởng cả tới những tương lai của vương quốc này. Sự bắt tay của bà với nước Mỹ cũng đóng vai trò lớn lao trong sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. Nếu coi chính trị của nước Anh là một sân khấu lớn thì bà đã là một diễn viên hết sức thành công. Bà giống như một diễn viên biết chọn con đường của mình thay vì đi theo đám đông, để rồi từ một diễn viên phụ bà tỏa sáng như một minh tinh và vĩnh viễn đi vào lòng công chúng cùng những định luận trái ngược cho đến khi lìa đời.
 
"Người đàn bà thép" Margaret Thatcher

Thành công trên sân khấu chính trị là vậy, nhưng trên sân khấu cuộc đời, bà cũng không có được sự vẹn toàn. Bà tự nhận rằng làm thủ tướng là một công việc cô độc. Những đứa con bà không thể gần gũi một người mẹ đã nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho xã hội. Niềm an ủi lớn nhất là người chồng hết mực yêu thương bà cũng bỏ bà lại một mình hơn mười năm nay. Sự cô đơn và căn bệnh suy giảm trí nhớ nghiêm trọng khiến cho tuổi già của "bà đầm thép" không có mấy niềm vui.

Ai đã từng xem bộ phim The Iron Lady nói về Margaret Thatcher, hẳn không thể nào quên hình ảnh một người phụ nữ với những chuỗi ngày hoài niệm, giống như một người diễn viên không thoát nổi vai diễn để đời của mình để trở lại với cuộc đời thực khi ánh đèn sân khấu vụt tắt...

"Hãy để chúng tôi giản dị ra đi"


Hãy nghĩ về Văn Hiệp và Margaret Thatcher như hai người nghệ sĩ, chúng ta sẽ thấy biết bao nhiêu ý vị của cuộc đời ẩn đằng sau sự ra đi của họ. Dẫu là một nghệ sĩ mang tầm quốc tế, với một sự nghiệp vô tiền khoáng hậu, hay chỉ là một diễn viên hài của tầng lớp bình dân thì họ đều mang những bi kịch riêng ẩn đằng sau nụ cười hay ánh hào quang sân khấu. Để rồi sau những ngày tháng cô quạnh của tuổi già, sự ra đi vĩnh viễn giải thoát cho họ khỏi những khổ đau nơi trần thế.

Họ là những con người của công chúng và được công chúng yêu mến qua những vai diễn của mình, dẫu mỗi người đã chọn một lối diễn khác nhau. Một người miệt mài trên con đường vươn tới những đỉnh cao, một người lặng lẽ chấp nhận số phận của mình không một lời than oán. Nhưng trên tất cả, để có được những giọt nước mắt tiếc nuối từ khán giả khi ra đi, của họ đều phải xuất phát từ một điểm chung: tài năng và sự nỗ lực bền bỉ suốt cuộc đời.

Margaret Thatcher trước khu qua đời đã chọn cho mình một tang lễ giản dị vì không muốn lãng phí ngân sách vào buổi lễ cuối cùng của mình. Thế nhưng nước Anh và thế giới vẫn nhắc tới bà bằng tất cả niềm trân trọng đối với một cuộc đời phi thường tới mức đã trở thành huyền thoại.

Còn người nghệ sĩ giản dị của Việt Nam chắc cũng không thể ngờ rằng biết bao nhiêu người đã nhắc tới ông, đã tìm đọc những câu chuyện rời rạc về cuộc đời ông đã khóc thương ông khi biết ông đã trải qua những đau đớn tột cùng trong những ngày tháng cuối cùng.

Điều day dứt cuối cùng có lẽ là câu chuyện những người bạn nghệ sĩ của ông đang vận động nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT cho ông. Vẫn biết đó là tấm chân tình của những người đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi, nhưng trong bước đường tiêu dao miền cực lạc, liệu ông sẽ vui hay buồn với những sự nhiêu khê của một cơ chế xin-cho thừa thủ tục nhưng thiếu tình người mà lúc sống ông đã không màng. Chính vì thế mà có lần chính ông đã nói - "Những cái áo dù người thợ may có khéo đến đâu cũng không thể vừa khít mình. Tôi không khoác cái áo NSND hay NSƯT. Tôi chỉ là nghệ sĩ Văn Hiệp, suốt đời chăm chỉ cần cù và phấn đấu trung thực như một nghệ sĩ giun."

Hai ngôi sao đã vụt tắt, dư âm còn lại trong chúng ta những trăn trở khôn nguôi về ý nghĩa của kiếp người, về sự được mất trong cõi đời trong đục. Chợt nhớ tới một câu hát cũ như một lời kết cho bài viết này:

"Nhưng khi cánh nhung khép im lìm
Ánh đèn lặng tắt hỏi ai nỗi niềm...
Mưa rơi vẫn rơi mãi không ngừng
Có người nghệ sĩ khóc đời quạnh hiu..."


Khương Duy



Bình luận bằng facebook của bạn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét