Phim Hà Nội mùa đông năm 1946 - full, 90 phút

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận đối với các văn nghệ sĩ. Dựng chân dung Người, nhà văn thì dùng ngôn ngữ, nhạc sĩ thì dùng âm nhạc, họa sĩ thì dùng hình khối, sắc màu. Nhưng với người làm sân khấu và điện ảnh thì khó hơn, vì họ phải tìm được diễn viên thể hiện tốt nhất câu chuyện và ý tưởng của mình.

Hình ảnh Bác Hồ trong lòng người dân Việt Nam nhiều năm nay đã trở nên rất đỗi  gần gũi và thân quen. Chính vì vậy công việc của các nghệ sĩ khi được vinh dự vào vai Bác Hồ cũng trở nên khó khăn hơn.

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hãy cùng điểm lại một số gương mặt nghệ sĩ vào vai Bác Hồ được yêu mến từ trước tới nay.


Trong số các nghệ sĩ đã vào vai Bác Hồ, Tiến Hợi là người để lại nhiều dấu ấn sâu đậm hơn cả. Trước tiên vì anh có ngoại hình giống Bác nhất. Và anh cũng là người đã đóng vai Bác trong nhiều tác phẩm sân khấu và điện ảnh nhất. Tiến Hợi được các đạo diễn chú ý khi anh đóng vai Bác Hồ trong vở kịch "Đêm trắng". Dáng dấp, con người, thần thái ở anh khi nhập vai đã toát lên được vẻ đẹp tinh thần, hình ảnh, cốt cách của Bác khiến cho khán giả rất hài lòng.

Tiến Hợi nhớ mãi một kỷ niệm xúc động, đó là khi anh đi diễn vở "Đêm trắng" ở Việt Trì (Phú Thọ). Có một cụ già, trong lúc anh đang diễn đã đứng lên: "Thưa Bác, cho cháu được phát biểu ý kiến" khiến khán giả cười ồ. Kết thúc đêm diễn, cụ già đến gần Tiến Hợi và sụp xuống lạy, làm nghệ sĩ vô cùng bối rối. Cụ bảo: "Tôi biết là anh vào vai Bác Hồ. Nhưng anh đóng Bác giống quá, khiến tôi nhớ lại kỷ niệm hồi còn ở trung đoàn Sông Lô, được đón Bác lên thăm. Tôi đã được gặp Người và phát biểu ý kiến với Người".

Sau thành công của "Đêm trắng", Tiến Hợi được đạo diễn Long Vân mời vào vai Bác Hồ trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn". Gặp được Tiến Hợi là một sự "may mắn" với Long Vân, bởi vị đạo diễn này đã mất hàng năm trời tìm kiếm mà "không ra" người vào vai Bác thật ưng ý. Tiến Hợi đã rong ruổi theo đoàn làm phim khắp các địa phương: Nghệ An, Huế, Phan Rang, Phan Thiết, TP HCM... "Hẹn gặp lại Sài Gòn" kể về cuộc đời Hồ Chí Minh khi Người còn trẻ, đang nung nấu ước nguyện ra đi tìm con đường cứu nước. Vào vai Nguyễn Tất Thành tuổi 20 nhưng lúc đó Tiến Hợi đã ở tuổi 32. Tuy nhiên, nhờ sự hóa trang và tạo hình tốt nên Tiến Hợi đã hoàn thành vai diễn khiến đạo diễn Long Vân rất hài lòng.

Năm 1997, đạo diễn Đặng Nhật Minh làm phim "Hà Nội mùa đông năm 46" và ông không ngại ngần mời Tiến Hợi vào vai Hồ Chủ tịch. Nếu vai Nguyễn Tất Thành trong "Hẹn gặp lại Sài Gòn" trẻ trung, đầy hoài bão thì vai Hồ Chí Minh trong "Hà Nội mùa đông năm 46" lại lịch lãm, kiên định.

Nghệ sĩ Tiến Hợi cho biết, để vào vai Bác Hồ thành công, ngoài ưu thế về ngoại hình giống Bác, anh còn tìm đọc các tài liệu lịch sử, sách báo về Bác. Anh cũng lắng nghe các băng ghi âm của Người để học cách nói, cách nhả chữ cho thật chuẩn. Khi làm phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn", Tiến Hợi còn được các đạo diễn tạo điều kiện đến các Bảo tàng để hiểu sâu hơn về cuộc đời và hoạt động của Người. Tiến Hợi cũng chủ động gặp nhà văn Sơn Tùng, tác giả cuốn tiểu thuyết "Búp sen xanh" nổi tiếng để được nhà văn kể thêm nhiều chi tiết về tuổi trẻ của Hồ Chủ tịch.

Tiến Hợi rất tự hào khi mình là nghệ sĩ được vào vai Bác nhiều lần trong đời và nhận được sự quý mến của các đạo diễn, khán giả. Để giữ hình tượng đẹp về Bác, trong đời mình, Tiến Hợi không bao giờ nhận đóng vai… phản diện.




Bình luận bằng facebook của bạn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét